Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương phát triển bền vững cùng với KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

2021-12-11 11:35:00.0

Bình Dương phát triển bền vững cùng với KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân. Theo đó, nhận thức về chuyển đổi số không ngừng vận động và biến đổi và là yếu tố quan trọng nhất để đi đến thành công.

Ngày 10/12/2021, UBND tỉnh Bình Dương ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2026

với Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT

Ngày 31/3/2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số[1] nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cách sống, làm việc của người dân trên môi trường số vì mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Theo đó, có 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung[2] và các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025. Theo Quyết định số 816/QĐ-UBND, đã phân công một số lĩnh vực ưu tiên thực hiện Chuyển đổi số. Đối với ngành Công Thương, UBND tỉnh yêu cầu Ngành đến năm 2025 hoàn thành các nội dung sau:

* Về chỉ tiêu: 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch thương mại điện tử; Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên; 100% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nội dung đào tạo, chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số, công nghệ số, thương mại điện tử.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex IDC tham quan Trung tâm dữ liệu Data Center

Công ty TNHH Điện tử Foster đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, vận hành sản xuất

Đối với chính quyền số: 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; 90% hồ sơ công việc, 80% báo cáo định kỳ được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 50% hoạt động kiểm tra được thực hiện thông qua môi trường số.

Nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025, ngành Công Thương phải triển khai xây dựng 2 đề án: Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi số cho hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống”; Đề án “Tư vấn lộ trình chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và logistics, Ngành tiến hành xây dựng, triển khai chính sách chuyển đổi số cho một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp chủ yếu, mũi nhọn của tỉnh; Nghiên cứu áp dụng Bộ chỉ số về mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index); Triển khai thí điểm mô hình nhà máy thông minh, vận hành thông minh, các hệ thống thông minh cho một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn của tỉnh như chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện – điện tử, …; Ứng dụng công nghệ số trong thu hút đầu tư; Phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics. Xây dựng bản đồ GIS về logistics; từng bước thiết lập đồng bộ nền tảng giao dịch số về logistics để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước. Trong lĩnh vực năng lượng: tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới và triển khai các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, đẩy mạnh sử dụng năng lương tái tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Công Thương, ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ triển khai Kế hoạch chuyển đổi số nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý, lợi thế cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp./.

[1] Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 31/3/2021 ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 3248/KH-UBND ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình Thương mại điện tử của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

[2] Chuyển đổi nhận thức; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Phát triển hạ tầng số; Phát triển hạ tầng dữ liệu; Ứng dụng, phát triển nền tảng số; Đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; Nghiên cứu, phát triển, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Phát triển nguồn nhân lực và Đo lường chuyển đổi số


Kim Bình – Văn phòng Sở

Lượt xem: 6587

Thống kê truy cập

Đang truy cập:472

Tổng truy cập: 17937689