Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương định hướng phát triển công nghiệp bền vững

2022-12-05 19:23:00.0

Bình Dương định hướng phát triển công nghiệp bền vững

Từ những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Trong đó, Phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tham quan mô hình Thành phố mới Bình Dương

 

Để phát triển công nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Dương thực hiện chính sách đổi mới thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

 

 

Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp xanh, bền vững; tương lai sẽ hình thành các khu công nghiệp thông minh mang lại giá trị cao. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Công Thương tham mưu thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tiếp tục tập trung tham mưu UBND tỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn và dịch chuyển hợp lý lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

- Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp môi trường, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp tiêu thụ ít nguyên nhiên vật liệu, ít thâm dụng lao động, có hiệu quả về xã hội và môi trường.

- Tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp xanh, chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ… nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ các ngành, phục vụ việc di dời, chuyển đổi công năng cho các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp các địa phương phía Nam của tỉnh.

- Tập trung phát triển một cách toàn diện các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, điện – điện tử... Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đây là nhân tố quan trọng để thực hiện chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành, phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững.

- Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp; khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Nâng cao chất lượng xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao và hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao gắn với mở rộng quy mô xuất khẩu nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Thúc đẩy phát triển thương mại theo hướng hiện đại gắn với tổ chức triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu của tỉnh./.


Quốc Cường – Phòng QLCN

Lượt xem: 3443

Thống kê truy cập

Đang truy cập:359

Tổng truy cập: 17935462