Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp

2022-09-16 13:51:00.0

Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp

Tỉnh nỗ lực xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng; tập trung phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Các doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh được tạo điều kiện để phát triển kinh doanh đúng quy định pháp luật. Nhờ đó quy mô kinh tế của tỉnh trong những năm qua liên tục gia tăng. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh theo giá hiện hành đạt 389.605 tỷ đồng, tăng gấp 6,2 lần so với năm 2011 (tương ứng tăng 326.729 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 8,3% mỗi năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 9,1% mỗi năm. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giữ ổn định và chiếm bình quân 41% trong GRDP.

So với năm 2011, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2020 đã tăng 5,1 lần, tăng từ 11.469 lên 58.290 doanh nghiệp so với năm 2011. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 19,7% một năm, cao nhất trong các khu vực.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương ngày 5/9. Ảnh: Yến Nhi

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương ngày 5/9. Ảnh: Yến Nhi

Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 162.061 tỷ đồng năm 2011 tăng lên 681.777 tỷ đồng năm 2020, tốc độ tăng bình quân đạt 17,3% một năm. Số lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2011 là 285.805 người, đến năm 2020 đạt 427.848 người, tăng 1,5 lần, tốc độ tăng bình quân đạt 4,6% năm.

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 12.721 ha (tăng 9.670 ha); chiếm 9% về số lượng và 13% diện tích khu công nghiệp cả nước. Các khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng với kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ và hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Điểm khác biệt của Bình Dương là không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng trong các khu công nghiệp. Hiện tại, có 19 doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Về cụm công nghiệp, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 790 ha.

 
Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương đưa ra kiến nghị. Ảnh: Yến Nhi

Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương đưa ra kiến nghị. Ảnh: Yến Nhi

Tại buổi làm việc ngày 5/9, các sở, ngành, hiệp hội cũng đề ra nhiều kế hoạch giúp phát triển kinh tế; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cần phát huy vai trò của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong hình thành và phát triển chuỗi cung ứng. Hiện tại, thị trường cung ứng, liên kết của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ. Nếu xây dựng chuỗi liên kết này thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không ngừng lớn mạnh.

Bà Phan Lê Diễm Trang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của ngành dệt may giá nhập khẩu rất cao. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại khó sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho ngành dệt may do cơ chế tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy, chữa cháy quy định khắt khe, chi phí đầu tư quá lớn. Hiệp hội Dệt may tỉnh kiến nghị cần có cơ chế liên kết vùng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bà Trang cho rằng đối với công tác đào tạo nghề, ngoài đào tạo chuyên môn, cần đưa vào giáo trình đào tạo thêm về tác phong, ý thức trách nhiệm trong công việc cho người lao động.

Toàn cảnh buổi làm việc ngày 5/9. Ảnh: Yến Nhi

Toàn cảnh buổi làm việc ngày 5/9. Ảnh: Yến Nhi

Đại diện Hiệp hội Da giày Bình Dương cho rằng, các doanh nghiệp phải cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ vượt qua những tác động tiêu cực sau đại dịch Covid-19. Việc thiếu hụt lao động, cùng áp lực chi phí liên quan đến người lao động ngày càng tăng, để giải quyết bài toán này về lâu dài, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao kiến thức về pháp luật liên quan đến ngành hàng, tận dụng các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết để thúc đẩy tăng trưởng. Hợp tác liên kết vùng gia tăng sức mạnh để cùng nhau phát triển. Cùng với đó, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Yếu tố cuối cùng là môi trường bình đẳng trong nước và nước ngoài, đơn vị quy mô lớn với nhóm vừa và nhỏ, nhà nước và tư nhân.

 


https://vnexpress.net/

Lượt xem: 2370

Thống kê truy cập

Đang truy cập:441

Tổng truy cập: 17945910