Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Điểm sáng kinh tế và nỗi quan ngại về chất lượng tăng trưởng

2021-01-15 08:16:00.0

(TBKTSG Online) – Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đối mặt với nguy cơ tụt hậu do chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, chỉ số năng lực cạnh tranh và hiệu quả môi trường thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ảnh: TBKTSG

Chia sẻ với TBKTS Online, PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, dù đã nhiều có cải thiện.

PGS. TS Tô Trung Thành. Ảnh: NVCC

Năm vượt khó của kinh tế Việt Nam

Thưa ông, điều gì đã giúp Việt Nam bước đầu hoàn thành “mục tiêu kép” - vừa tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh?

PGS. TS Tô Trung Thành: Đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Việc hoàn thành “được mục tiêu kép” nên được hiểu là vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa giảm thiểu được những tác động tiêu cực của dịch bệnh và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Mức tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 2,91% - thấp nhất trong hơn 20 năm qua, nhưng vẫn thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong bối cảnh tăng trưởng chung của thế giới suy giảm khoảng 4%. Kết quả này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Tổng cục Thống kê cung cấp

Thứ nhất, cách thức chống dịch của Việt Nam được coi là có hiệu quả. Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết, đúng đắn và kịp thời để kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19, đi kèm với sự đồng lòng của người dân với Chính phủ. Theo đó, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tương đối tốt, nhờ đó Việt Nam đã giảm được đáng kể các thiệt hại về kinh tế cũng như về con người, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia lân cận ở trong cùng hoàn cảnh.

Thứ hai, cùng với cách thức chống dịch có hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại, Chính phủ cũng đã có hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế như các giải pháp tài khóa và tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để bù đắp suy giảm mạnh của vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Mặc dù độ phủ của các giải pháp cũng như hiệu quả của một số giải pháp còn chưa cao, nhưng nền kinh tế cũng đã có những hỗ trợ “hồi sức” cần thiết để duy trì và thích ứng với giai đoạn mới. 

Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam dựa phần lớn các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hoặc khu vực phi chính thức có quy mô siêu nhỏ. Mặc dù đây là những khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch, những cũng là khu vực rất linh hoạt để thích ứng với tình hình mới. 

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2020, theo ông đâu là điểm sáng?

Về tăng trưởng kinh tế theo ngành, ngành nông nghiệp đã có mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, là “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn, dù gánh chịu cả tác động từ đại dịch và thiên tai.

Theo đó, ngành này đã tăng trưởng 2,68% trong năm 2020, đây là kết quả rất tốt nếu so với mức tăng trưởng 0,61% của năm 2019. Trong khi đó ngành công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 3,98%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 8,9% năm 2019. Tương tự, ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 2,34%, trong khi năm 2019 tăng tới 8,3%.

Bên cạnh đó, một số ngành cũng đã tận dụng được cơ hội từ đại dịch để tăng trưởng tốt hơn như ngành y tế đạt mức tăng trưởng gần 10%, ngành thông tin và truyền thông tăng trưởng hơn 7%, ngành tài chính – ngân hàng – bảo hiểm tăng trưởng gần 7%.

Nông nghiệp tiếp tục là 'bệ đỡ' khi nền kinh tế ở trong hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tổng cục Thống kê cung cấp

Về thành tố chi tiêu, đầu tư công trong năm 2020 cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận. Đây là một giải pháp quan trọng của Nhà nước để bù đắp cho những suy giảm mạnh mức tăng trưởng của khu vực ngoài Nhà nước và FDI. Theo đó, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 lên đến 34,5% - mức cao nhất trong 10 năm gần đây, giúp tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội không giảm xuống quá sâu, đóng góp lớn đến tăng trưởng trong khung khổ mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư như ở Việt Nam hiện nay.

Về các khu vực của nền kinh tế, điểm sáng vẫn thuộc về khu vực đối ngoại, gồm các doanh nghiệp FDI và hoạt động thương mại quốc tế. Đây là những đầu tầu quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Với hoạt động thương mại quốc tế, cán cân thương mại hàng hoá đạt mức kỷ lục 19,1 tỉ Đô-la Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết thành công những hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn như EVFTA, RCEP, sau hiệp định CPTPP.

Với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn đầu tư vẫn duy trì ở mức cao với số ước giải ngân 20 tỉ Đô-la, tương đương trên 6% GDP – mức cao nhất so với các nước trong khu vực, trong bối cảnh nhiều chuỗi sản xuất có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam – nơi được coi là kiểm soát tốt đại dịch.

Có thể nói thành tích của khu vực kinh tế đối ngoại đã đóng góp vào mức tăng trưởng chung, bù đắp đáng kể cho những suy giảm trong tiêu dùng và đầu tư trong nước, dù vẫn còn một số vấn đề đằng sau những con số này

Về các biến số phản ánh mức độ ổn định vĩ mô, chỉ số lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần vào những thành tích chung về kinh tế của Việt Nam năm 2020. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019, giúp duy trì lạm phát ở mức dưới 5% trong 5 năm gần đây. Tỷ giá cũng ổn định, về cơ bản là không biến động nhiều so với năm 2019.

Những điểm trừ

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỉ Đô-la Mỹ, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Phía sau kỷ lục này là gì, thưa ông?

Dù ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục và giải ngân vốn FDI duy trì ở mức cao, nhưng nếu nhìn sâu vào cơ cấu thì lại ẩn chứa những vấn đề cố hữu của nền kinh tế và trở nên lộ rõ hơn trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hầu như không có thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị phụ tùng; dệt may và da giày vẫn chiếm khoảng gần 60% tổng giá trị xuất khẩu của nền kinh tế.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng gồm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 44,7 tỉ Đô-la - tăng 24,4%, còn giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng gồm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27 tỉ Đô-la, tăng 47,8%. Khu vực FDI đóng góp phần lớn vào xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo này với 96,7% xuất khẩu điện thoại và linh kiện, 96,7% xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện, 86,6% xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, khoảng 70% xuất khẩu dệt may và da giày.

Về cơ cấu nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng trên 90%. Trong đó các nhóm hàng gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện đều ghi nhận mức tăng cao, chiếm tỷ trọng khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu. Những mặt hàng này chủ yếu phục vụ cho sản xuất và lắp ráp các mặt hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo của khu vực FDI.

Cán cân xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2020. (Ảnh: Tổng cục Thống kê cung cấp).

Như vậy, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2020 đã phản ánh vai trò quan trọng của khu vực FDI. Khu vực này chiếm đến 72,2% tổng giá trị xuất khẩu và 64% tổng giá trị nhập khẩu năm 2020, tăng lần lượt 2,2% và 6,6% so với năm 2019. Khu vực này cũng đóng góp chính đến thặng dư cán cân thương mại cho nền kinh tế - trong khi khu vực nội địa nhập siêu 15 tỷ Đô-la thì khu vực FDI xuất siêu lên đến 34,6 tỷ Đô-la. Điều này phản ánh thực tế các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức thâm nhập thị trường thế giới, vai trò của khu vực này còn rất yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời cũng cho thấy các doanh nghiệp FDI chỉ tạo được giá trị gia tăng thấp tại Việt Nam, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tận dụng lao động giá rẻ và điều kiện bảo vệ môi trường chưa cao. Chuỗi giá trị mà các doanh  FDI tạo lập cho Việt Nam còn ở vị trí thấp, ít giá trị gia tăng, và vì vậy cũng dễ tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài.

Ngoài ra, một vấn đề nổi bật về thương mại quốc tế năm 2020 là giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lần lượt tăng 24,5% và 11,2% so với năm 2019, trong khi các thị trường khác đều suy giảm hoặc tăng không đáng kể.

Theo đó, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ với giá trị kỷ lục 62,7 tỉ Đô-la và nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc với giá trị 35,4 tỉ Đô-la. Với việc Việt Nam bị đưa vào cáo buộc thao túng tiền tệ, đồng thời nguy cơ “rửa xuất xứ” do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến những rào cản thương mại và kỹ thuật mà Mỹ áp đặt cho hàng hóa từ Việt Nam, mang đến nhiều rủi ro đến với xuất khẩu của nước ta khi xuất siêu đang dựa cơ bản vào thị trường này.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn từ 2016 tới 2020, nhưng số vốn được giao vẫn không giải ngân hết, thậm chí có những dự án trọng điểm chỉ giải ngân được 27% số vốn được giao. Những con số này nói lên điều gì?

Điều này cho thấy, vẫn còn những điểm nghẽn của quá trình giải ngân vốn đầu tư. Thứ nhất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn về đơn giá, phương án đền bù, nhiều dự án còn thiếu minh bạch, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Điều này khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư công bị đình trệ.

Thứ hai, với các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, do việc triển khai dự án đều phụ thuộc vào nước ngoài, việc nhập khẩu công nghệ máy móc thiết bị khó khăn hay các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh do tác động của đại dịch.

Bên cạnh nguyên nhân đại dịch, nguyên nhân khác khiến các dự án ODA chậm tiến độ là do thủ tục hành chính, luật pháp và các quy định của Việt Nam. Ví dụ, yêu cầu tài sản thế chấp 120% mức vốn vay đối với bên thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định 97/2018/NĐ-CP có thể là gánh nặng cho bên thực hiện và gây trở ngại cho việc triển khai dự án vay vốn.

Thứ ba, cả chủ đầu tư và các nhà thầu trong các dự án đầu tư công có tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần, theo đó, thường dồn đến cuối năm để giải ngân vốn. Bên cạnh đó, các dự án mua sắm trang thiết bị cũng thường được giải ngân vào cuối năm.

Thứ tư, thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, và hoàn thiện; dẫn đến tình trạng khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về đất đai, thủ tục hành chính.

Vậy gam màu tối còn lại trong bức tranh kinh tế Việt Nam hiện ở những lĩnh vực nào, thưa ông?

Với ngành kinh tế, hầu hết các ngành sản xuất đều có mức tăng trưởng giảm sâu so với năm 2019, thậm chí có mức tăng trưởng âm như ngành lưu trú và ăn uống giảm 14,68%, khai khoáng giảm 5,62%, vận tải kho bãi giảm 1,89%.
Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo - ngành đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây – cũng bị ảnh hưởng lớn khi chỉ tăng trưởng 5,82%, giảm sâu so với mức trung bình 11% mỗi trong giai đoạn 2011-2019 và 12,2% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2019.

Đây là ngành tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, còn sản phẩm đầu ra được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng Covid-19 đã khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy cả thượng nguồn và hạ nguồn, gây ảnh hưởng lớn đến ngành này. Điều này cũng hàm ý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam dễ tổn thương và nhạy cảm với tình hình thế giới.

Với doanh nghiệp, có tới 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Kết quả điều tra doanh nghiệp được thực hiện bởi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - trong khuôn khổ nghiên cứu chung với JICA - vào tháng 10 và 11-2020 cũng phản ánh rõ nét tác động trên. Theo đó, có 60,53% các doanh nghiệp hoạt động bình thường như thời điểm chưa diễn ra dịch Covid-19, còn gần 40% chịu tác động tiêu cực - phải cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng sản xuất, hoặc chờ giải thể phá sản.

Covid-19 ảnh hưởng tới việc làm của 31 triệu động trong năm 2020. Ảnh: Tổng cục Thống kê cung cấp

Với lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. Còn tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại. Theo Cục việc làm, có khoảng 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, bị giảm thu nhập tính đến tháng 6-2020. Trong đó gần 60% tổng số người bị ảnh hưởng bị suy giảm thu nhập.

Thu nhập cá nhân sụt giảm cùng với những lo lắng, bất định từ tương lai khiến người tiêu dùng nảy sinh tâm lý e ngại, giảm mạnh chi tiêu hiện tại . Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, đã giảm 1,2%, trong khi năm 2019 tăng tới 9,5%. Theo đó, tiêu dùng cuối cùng năm 2020 chỉ tăng 1,06%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 7,23% của năm 2019.

Kết quả, mức tăng trưởng của nền kinh tế năm 2020 thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 do tỷ trọng tiêu dùng chiếm một phần lớn trong cơ cấu GDP.

Nguy cơ tụt hậu

Nhìn vào những tác động tiêu cực với nền kinh tế sau biến cố thiên tai và dịch bệnh, ông đánh giá như thế nào chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Chất lượng tăng trưởng có thể được thể hiện ở tính hiệu quả và bền vững của nền kinh tế, thông qua các yếu tố gồm: năng suất lao động xã hội; vai trò của đổi mới sáng tạo; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với từng thời kỳ phát triển; năng lực cạnh tranh; và tăng trưởng kinh tế đi đôi với môi trường bền vững.

Về năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 5,4%, một mức khá cao khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, nhưng chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam đạt 117,9 triệu đồng – tương đương 5.081 Đô-la tính trên mỗi lao động, theo giá hiện hành năm 2020. Mức này thấp hơn 1,5 lần so với Philippines, 4 lần so với Malaysia, 1,6 lần so với Trung Quốc và 10 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức năng suất Châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam năm 2018 chỉ tương đương với năng suất lao động của Nhật Bản năm 1960. Điều này có nghĩa nước ta đã chậm hơn họ khoảng 60 năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tụt hậu khoảng 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan.

Về đổi mới sáng tạo, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2020 do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố năm 2020, Việt Nam xếp thứ 42-  dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và nằm trong nhóm nước có mức đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức thu nhập. Trong khu vực, Việt Nam có mức đổi mới sáng tạo tương đương Thái Lan, cao hơn Indonesia hay Philippines. Nhưng nước ta còn yếu về chỉ số thành phần về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Đây cũng là vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, dẫn đến xếp hạng về Đổi mới sáng tạo đầu vào chưa được cải thiện.

Về chuyển dịch cơ cấu, mặc dù cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng của các ngành dịch vụ, tuy nhiên, cơ cấu ngành theo GDP vẫn còn lạc hậu so với mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Năm 2020, tỷ trọng dịch vụ chiếm 41,6% GDP so với 49% GDP của nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp khoàng 44% so với 40% của nhóm nước thu nhập trung bình thấp.

Về năng lực cạnh tranh, năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 67/141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018. Tuy vậy, chỉ số này của Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Phillipines.

Về hiệu quả môi trường, theo bộ chỉ số Hiệu quả môi trường (EPI), hai khía cạnh lớn phản ánh môi trường bền vững là: các yếu tố môi trường liên quan đến sức khỏe con người và các yếu tố môi trường liên quan đến tính bền vững của hệ sinh thái. Trong khu vực ASEAN, chỉ số EPI Việt Nam năm 2020 chỉ xếp trên Myanmar, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực, đứng thứ 141/180 quốc gia.

Như vậy, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam dù có cải thiện, nhưng còn chậm và ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới. Còn thách thức với nền kinh tế rất lớn, gồm: sức ép đuổi kịp và bắt nhịp với phát triển kinh tế toàn cầu; vượt lên nguy cơ tụt hậu trong Cách mạng công nghiệp 4.0; giải phóng tiềm lực bị hạn chế bởi hệ thống hạ tầng và vốn con người; mối đe dọa toàn cầu về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


https://www.thesaigontimes.vn/

Lượt xem: 3532

Thống kê truy cập

Đang truy cập:362

Tổng truy cập: 17934842