Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

"Cửa sáng” cho doanh nghiệp xuất khẩu

2021-04-17 08:52:00.0

Với nỗ lực của Chính phủ, địa phương, ngành chức năng, hàng loạt giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, hoạt động xuất, nhập khẩu trong quý II-2021 hứa hẹn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Những tín hiệu tốt

Năm 2020 và những tháng từ đầu năm 2021 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực thi nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh tới xuất nhập khẩu, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có nhiều tín hiệu tốt.

Bên cạnh những thách thức, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng có một số thuận lợi nhất định. Các biện pháp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã và đang mang lại kết quả bước đầu rất tích cực. Sản xuất trong nước được khôi phục. Một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế hậu Covid-19, có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa trong năm 2021. Để đón đầu xu hướng đó, các DN mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Ông Hoàng Ngọc Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Nhị Bình (Khu công nghiệp VSIP 2A), cho biết công ty vừa đầu tư thêm một nhà máy sản xuất có vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng nhằm gia tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng công ty đã tạo được uy tín tại thị trường Nhật Bản và châu Âu. Triển khai dự án tại Bình Dương, công ty gặp nhiều thuận lợi, nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.

Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết hiện nay ngành gỗ đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng giao thương quốc tế, thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm đồ nội thất theo hình thức online ở các quốc gia cũng tăng cao, sự dịch chuyển lớn đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho DN trong tỉnh nâng cao sản lượng.

Tuy vậy, ngành chế biến gỗ Bình Dương đang tồn tại những bất lợi do sử dụng nguyên liệu nhập khẩu còn lớn, nguồn tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế, lãi suất vốn vay vẫn còn cao.

Hiện nay, các DN chế biến gỗ ở Bình Dương tập trung nâng cao năng lực sản xuất và đầu tư mạnh vào việc xây dựng vùng nguyên liệu, công nghệ tự động, cũng như đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường thế giới. Mong muốn của DN là Nhà nước có những chính sách cụ thể hỗ trợ DN phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đầu tư đổi mới công nghệ… Đây là những điều kiện cần và đủ để các DN ngành chế biến gỗ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt xu thế hội nhập và cạnh tranh hiện nay.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, để “khơi thông” luồng vận chuyển hàng hóa, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, liên tục hướng dẫn, thông báo cập nhật diễn biến tình hình trong nước và khu vực biên giới cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN nhằm tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Để giải quyết khó khăn về thị trường, ngành công thương tỉnh tăng cường công tác phối hợp với Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD), tích cực đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đồng loạt tìm kiếm những thị trường đang có nhu cầu mạnh trong bối cảnh Covid-19; tăng cường phổ biến về nội dung cam kết, công việc cần triển khai cho các DN dưới nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo hơn thông qua phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, hoặc các lớp tập huấn, hội thảo... Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC BD, hiện nay WTC BD đang phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, DN phù hợp cam kết quốc tế; hỗ trợ DN Việt Nam tham gia mạng lưới chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nhất là hệ thống WTC.

Mặt khác, hiệp hội và cộng đồng DN cần triển khai các mô hình, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Trong dài hạn, để bảo đảm được tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu, các DN vẫn phải đầu tư cho yếu tố then chốt, nhất là vẫn tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm đi liền với cắt giảm chi phí vận hành để đưa ra thị trường các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, chiếm trên 65% giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore đang tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 8 - 14% so với quý I-2020.


http://m.baobinhduong.vn/

Lượt xem: 6462

Thống kê truy cập

Đang truy cập:443

Tổng truy cập: 18323875